Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 10/01/2023

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÁO THEO NGHỊ ĐỊNH 137/2020/NĐ-CP NGÀY 27/11/2020 CỦA CHÍNH PHỦ

   Ngày 27/11/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021 thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ, so với Nghị định số 36/2009/NĐ-CP thì Nghị định số 137/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các loại pháo để phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến pháo.

   Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Hiểu đơn giản đây là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi đốt gây ra tiếng nổ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, loại pháo này hoàn toàn bị cấm.

pháo 1

   Pháo hoa nổ, là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa khi đốt gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, đây là loại pháo mà người dân sử dụng trái phép rất nhiều, phổ biến nhất là loại pháo dạng hộp loại 16, 36, 49 ống có tiếng nổ, phụt lên trời và nổ tiếp tạo lên hiệu ứng màu sắc, ánh sáng, loại pháo này rất nguy hiểm được tạo ra từ 3 loại, thuốc nổ, thuốc phóng và thuốc hoa nên khi đốt dễ gây cháy nổ và thương tích cho người sử dụng, loại pháo này chỉ được giao cho lực lượng Quân đội bắn vào các dịp Tết nguyên đán; Giỗ tổ Hùng Vương; ngày Quốc khánh mùng 2/9; ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5; ngày giải phóng Miền nam thống nhất đất nước 30/4; kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế và những trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

   Công dân tự ý thực hiện các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ đều là trái phép, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phạt tiền từ 5.000.000 triệu đồng đến 10.000.000 triệu đồng đối với hành vi “sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép”, phạt tiền từ 10.000.000 triệu đồng đến 20.000.000 triệu đồng đối với hành vi “vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo” hoặc bị xử lý hình sự về tội “Buôn bán hàng cấm” quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015; Tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015.

pháo 3

   Pháo hoa, là sản phẩm được chế tạo sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động xung kích thích cơ, nhiệt hóa hoặc điện sẽ tạo ra hiệu ứng âm thanh ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ, hiểu một cách đơn giản, pháo hoa ở đây là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng đốt chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, đặc biệt là không gây ra tiếng nổ, không gây ra nguy hiểm trực tiếp cho tính mạng, sức khỏe của con người, pháo hoa không có thuốc pháo nổ, là các sản phẩm như: que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc. Đối với các loại pháo này cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp lễ tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật và chỉ được đốt trong không gian của các sự kiện này. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu sử dụng chỉ được mua tại cơ sở được phép sản xuất, chế tạo, kinh doanh, mà hiện nay theo quy định thì chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường mới được phép sản xuất, nghiên cứu, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu loại pháo hoa này.

   Tất cả mọi hành vi sử dụng pháo hoa sai mục đích, không đúng với các trường hợp quy định và mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh đều là hành vi vi phạm và sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ. Trường hợp nếu đốt pháo tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 Bộ Luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân đang hiểu nhầm việc được phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa, việc hiểu không đúng, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Hiện nay cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng Công an đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt, nhiều giải pháp để quyết tâm ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, chế tạo, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa trái phép.

   Các tổ chức, cá nhân và người dân cũng cần chủ động tìm hiểu, trang bị cho mình kiến thức về pháo nổ, pháo hoa, pháo hoa nổ để từ đó nâng cao nhận thức của bản thân trong việc sử dụng pháo hoa sao cho đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, tránh trường hợp hiểu nhầm hoặc cố tình hiểu nhầm, hiểu sai vấn đề dẫn đến những vi phạm đáng tiếc./.

pháo 2

                                                                                                  Nguồn :  Hữu Thanh VHX xã ( Sưu Tầm )

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang